Lượt xem: 745

Thị xã Ngã Năm phát triển mô hình bán nông sản tại vườn dọc các tuyến quốc lộ

Thời gian qua, việc mua bán hàng hóa các mặt hàng nông sản được bà con tự trồng cặp tuyến Quốc lộ 61B và Quản lộ Phụng Hiệp thuộc địa bàn thị xã Ngã Năm diễn ra khá sôi nổi. Hầu hết các mặt hàng nông sản được bà con tự trồng và bán tại vườn nên lúc nào cũng đông khách.

    Chạy dọc theo tuyến Quốc lộ 61B, đoạn từ thị xã Ngã Năm đến thị xã Long Mỹ của tỉnh Hậu Giang, chúng tôi thấy nhiều loại nông sản mà bà con tự trồng tại vườn được bày bán cặp mé đường. Ghé thăm gia đình anh Thái Minh Quang - Khóm 6, Phường 1, thị xã Ngã Năm nhà có 03 công đất vườn tạp cặp tuyến Quốc lộ 61B, gia đình anh đã trồng bắp nếp. Bắp sau khi thu hoạch được gia đình nấu ngay tại nhà và bán cho khách qua đường. Việc tự trồng và bán tại nhà, giá trị kinh tế mang về cao hơn so với bán cho thương lái. Theo đó, trung bình mỗi một đợt bán bắp từ 7 - 10 ngày, trừ chi phí, anh có lợi nhuận từ 1,5 -  2 triệu đồng.


Các hộ mua bán tại tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, thuộc địa bàn thị xã Ngã Năm.

    Anh Quang chia sẻ: “Tôi tỉa bắp theo lối cuốn chiều, nên bán vừa dứt đợt này thì có bắp bán đợt nữa. Nói chung khách hàng rất thích các mặt hàng nông sản tại đây, như bắp vườn nhà tôi bẻ xong đem vô nấu liền nên còn vị ngọt tự nhiên; nhiều khách hàng ở thành phố Cần Thơ ghé mua ăn thấy ngon nên cũng đặt hàng gửi lên cho họ. Mình tự trồng và nấu bán tại nhà thì thu nhập cao hơn”.

    Tuyến Quốc lộ 61B và Quản lộ Phụng Hiệp chạy qua địa bàn thị xã Ngã Năm với chiều dài 34 km, do tuyến đường huyết mạch nối từ các tỉnh với nhau như: Từ thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang xuống các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu gần hơn so với các tuyến khác, nên lưu lượng xe qua lại nơi đây khá đông. Do đó, việc mua bán trên tuyến này hầu hết chủ yếu là khách phương xa đến.

    Chị Trần Thúy Hồng - Khóm 6, Phường 1, thị xã Ngã Năm chia sẻ: “Ở đây chủ yếu là bán cho khách đi du lịch các tỉnh: Kiên Giang, Bạc Liêu, hay Cà Mau, trung bình mỗi hộ bán mỗi ngày cũng kiếm được trên 150 ngàn đồng”.

    Theo thống kê của chính quyền địa phương, hiện toàn tuyến có khoảng gần 70 hộ mua bán hàng hóa tự sản, tự tiêu. Lượng nông sản bán ra chủ yếu như: Nấm rơm, mãng cầu gai, bắp, vú sữa, mít và một số đặc sản cá đồng của địa phương theo mùa trong năm nên được khách hàng rất ưa thích.

    Theo chính quyền địa phương cho biết, hiện mô hình bán nông sản tại vườn đã đem lại thu nhập khá cho những hộ dân nhàn rỗi ở địa phương. Bình quân mỗi hộ thu nhập từ 150.000 đồng/ngày trở lên. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn giao thông cho bà con buôn bán cặp lộ; chính quyền địa phương đã chủ động nhiều giải pháp, tuyên truyền bà con vừa mua bán vừa chấp hành tốt Luật An toàn giao thông nhằm tránh tai nạn xảy ra.

    Đồng chí Lê Tuấn Danh -  Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long, thị xã Ngã Năm, cho biết: “Mô hình này thì giải quyết được việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản của bà con ở địa phương; tuy nhiên hiện nay, bà con buôn bán cặp lộ khá nhiều. UBND xã Tân Long cũng đã có kế hoạch vận động, tuyên truyền bà con chọn vị trí mua bán thích hợp vừa đảm bảo an toàn giao thông vừa giải quyết được việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản để tăng thu nhập cho bà con”.

    Mô hình bán nông sản tại vườn đã đem lại thu nhập khá cho bà con nông dân, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở địa phương; tuy nhiên, để mô hình hiệu quả hơn thì ngoài lựa chọn những giống cây trồng mới làm phong phú sản phẩm nông sản, thì bà con nông dân cần chấp hành tốt Luật An toàn giao thông để vừa tăng thu nhập lại đảm bảo an toàn cho mình và người khác.

Tuấn Phi



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 49
  • Hôm nay: 8294
  • Trong tuần: 79,001
  • Tất cả: 11,802,321